Đứng rửa mặt cùng con gái để vòi nước chảy tự do, bà Ngô Thị Bích Hạnh – giám đốc Công ty BHD – giật mình nghe đứa con gái nhỏ hỏi: ‘Mẹ ơi, lớn lên con có nước để uống không?’.
Câu chuyện xảy ra cách nay đã hơn chục năm, khi con gái bà Hạnh còn là một cô bé, được bà Hạnh chia sẻ tại buổi lễ phát động Chiến dịch Màn ảnh xanh Việt Nam: Đường đến phát triển bền vững do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức chiều 5-1 tại Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên, bà Hạnh kể bà thuộc thế hệ làm ra kinh tế cho bản thân mình nên không muốn phải tằn tiện như thời cha mẹ, ông bà mình phải rất tiết kiệm trong sinh hoạt. Thế hệ của bà, những người kiếm ra tiền, muốn được tiêu dùng thoải mái hơn.
Vì vậy dù cha mẹ nhắc nhiều lần nhưng bà ít khi để ý tới chuyện phải tắt bóng điện hay vòi nước khi không dùng đến. Cho đến khi nghe cô con gái nhỏ hỏi câu đó, bà Hạnh “bừng tỉnh”.
Bà nhận ra dù mình có kiếm được rất nhiều tiền thì có thể một lúc nào đó không có nước cho thế hệ tiếp theo nếu như thế hệ của bà không biết tiết kiệm nước và năng lượng, tàn phá môi trường. Hiện con người đã phải chống chọi dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt kinh hoàng.
Từ câu nói của con gái, bà Hạnh bắt đầu thực hiện tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường ngay trong nhà mình và tiếp đến là ở công ty.
Cụm rạp BHD vài năm gần đây đã chuyển dần việc sử dụng các cốc nhựa, ống hút nhựa sang chất liệu giấy, dù chi phí đắt hơn 10-30 lần.
Bà Hạnh cho rằng cùng là thông điệp bảo vệ môi trường nhưng cách truyền tải thông điệp, cách mà câu chuyện được kể ra rất quan trọng giúp thông điệp đi được vào lòng người, giống như câu hỏi của con gái bà đã tác động mạnh đến bà.
Bà Ngô Phương Lan – chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam – cũng có chia sẻ tương tự. Bà rất tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam rất quan tâm tới bảo vệ môi trường khi quan sát chính các con mình luôn thực hành tiết kiệm năng lượng, phân loại rác ở nhà.
Theo bà Lan, quá trình sản xuất phim có tác động lớn tới môi trường: phát thải từ phương tiện giao thông, xây dựng trường quay, hoạt động chiếu sáng, chuỗi cung cấp thực phẩm, chưa kể việc cả đoàn phim hàng trăm người giẫm đạp lên cảnh quan thiên nhiên nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trời.
Gần đây, ngành công nghiệp điện ảnh đang được xanh hóa. Tuy vậy, để điều này trở thành phong trào được thực hành rộng khắp, đồng thời tác động tích cực tới xã hội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát động Chiến dịch Màn ảnh xanh Việt Nam: Đường đến phát triển bền vững.
Chiến dịch chính là bước đầu tiên trong hợp tác giữa hai đơn vị này nhằm hỗ trợ việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh và kinh tế sáng tạo tại Việt Nam. Trước đó, sáng kiến Màn ảnh xanh Đông Nam Á: Đường tới phát triển bền vững đã được Netflix khởi động vào tháng 11-2021.
Để thực hiện chiến dịch này, bà Phương Lan cho biết sắp tới sẽ có những đợt ký cam kết giữa các hãng phim, các công ty điện ảnh và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam thực hiện các tiêu chí bảo vệ môi trường trong quá trình làm phim và phát hành phim.
Trước mắt, ban tổ chức phát động cuộc thi làm phim ngắn Màn ảnh xanh phản ánh những vấn đề thời sự về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. 6-8 kịch bản được ban giám khảo lựa chọn sẽ được hỗ trợ chi phí sản xuất là 20 triệu đồng cho mỗi phim.
Lễ trao giải được dự kiến tổ chức vào dịp 2-9 tới, với 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng, 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khán giả bình chọn.
Theo tuoitre.vn