Theo thông lệ, vào cuối năm 2024 này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) bình chọn 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
1) Nhiều văn bản quy phạm pháp luật và chủ trương, chính sách lớn về văn hóa được ban hành trong năm 2024. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Bên cạnh đó, 2 Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã thể hiện sự bao quát, mang tính định hướng lâu dài đối với các ngành công nghiệp văn hóa.
2) Một năm thành công của di sản Việt Nam trên trường quốc tế với 3 danh hiệu thế giới nổi bật. Đó là “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.Bên cạnh đó, TP.HCM và TP Sơn La cũng được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”.
Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam đã được các nước thành viên tín nhiệm cao bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003.
3) Điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn cả về chất lượng và doanh thu phòng vé. Trong đó, phim Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân giành giải Phim dài đầu tay xuất sắc nhất (GWFF Best First Feature) tại LHP Berlin lần thứ 74; Mưa trên cánh bướm của Dương Diệu Linh thắng 2 giải Iwonderfull Grand Prize (Phim hay nhất) và Verona Film Club Prize (Phim sáng tạo nhất) tại hạng mục Tuần lễ phê bình phim quốc tế của LHP Venice lần thứ 81.
Bên cạnh cơn sốt phòng vé đầy bất ngờ đối với bộ phim Nhà nước Đào, phở và piano” (doanh thu trên 20 tỷ), hàng loạt bộ phim tư nhân của Việt Nam đã đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, trong đó Mai (hơn 573 tỷ đồng), Lật mặt 7 (hơn 482 tỷ) lần lượt lập kỷ lục doanh thu phòng vé cao nhất, cao thứ nhì mọi thời đại tại Việt Nam.
4) Hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2024 được tổ chức thành công, điển hình là các dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Các hoạt động kỷ niệm này cho thấy sự sáng tạo, kết hợp giữa cách tổ chức truyền thống với những hoạt động đa dạng, mang màu sắc hiện đại như triển lãm trực tuyến, tái hiện mô hình thực cảnh, sử dụng các không gian công cộng ngoài trời để đạt độ tương tác cao khi trưng bày…Sự sáng tạo và đổi mới này đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
5) Ngành công nghiệp biểu diễn âm nhạc của Việt Nam năm 2024 có những bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua sự thành công của nhiều live show và chương trình âm nhạc lớn. Trong đó, đáng chú ý là các chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi đã thu hút hàng chục ngàn khán giả trong mỗi đêm diễn. Những concert này không chỉ thành công về mặt quy mô mà còn tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, được so sánh với các sự kiện quốc tế như concert của BlackPink tại Hà Nội năm 2023.
Bên cạnh đó, từ những live show của các nghệ sĩ độc lập như Vũ. Concert của Vũ., Người đàn ông hát của Tùng Dương, và Sketch a Rose của Hà Anh Tuấn (được tổ chức cả ở Singapore và Australia), My Soul của Mỹ Tâm tại Mỹ cho đến Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô (Hozo music festival) tại TP.HCM… đã gây tiếng vang lớn, giúp ngành công nghiệp âm nhạc đạt được những thành tựu đáng kể, tạo tiền đề để phát triển bền vững trong tương lai.
6) Bộ chỉ số thu hút đoàn phim (PAI) phát huy giá trị, hỗ trợ điện ảnh – du lịch Việt Nam phát triển. Hoạt động xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh có bước phát triển mới, điển hình là Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI – Production Attraction Index) do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh VN khởi xướng đã phát huy giá trị sau 1 năm thực hiện. Nhờ những chính sách hỗ trợ từ tỉnh Phú Yên – tỉnh dẫn đầu PAI trong 2 năm liên tiếp 2023 – 2024, HK Film đã thực hiện bộ phim Ngày xưa có 1 chuyện tình tại địa phương này. Phim ra rạp năm 2024 và là đại diện duy nhất của VN tham gia LHP quốc tế Hà Nội lần 7 – 2024. Từ 10 tỉnh, thành tham gia PAI 2023, đến năm 2024, con số trên là 37 và tiếp tục mở rộng.
PAI là bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim do Việt Nam khởi xướng duy nhất trên thế giới, phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. Bộ chỉ số được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy điện ảnh phát triển. Năm 2025 bộ phim Hộ linh tráng sĩdo BHD sản xuất tại tỉnh Ninh Bình cũng từ “sáng kiến” PAI này.
Bên cạnh đó, năm qua, điện ảnh Việt Nam cũng có loạt hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch – điện ảnh được tổ chức tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc… cũng như tại nhiều địa phương trong nước.
7) Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 17/11 và thu hút hơn 300 ngàn lượt khách tham quan – con số lớn nhất trong những lần tổ chức sự kiện thường niên này. Với chủ đề Giao lộ sáng tạo, chuỗi sự kiện này đã thu hút khoảng 1.000 nhà sáng tạo (nghệ sĩ, kiến trúc sư, giám tuyển…) và 500 đơn vị cùng tham gia, với 110 hoạt động sáng tạo đa dạng, đặc sắc.
Đáng nói, với việc sử dụng nhiều kiến trúc lâu năm làm không gian tổ chức hoạt động như tòa nhà Viện Đại học Đông Dương, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Di tích Bắc Bộ phủ,… lễ hội này còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng – đồng thời gợi mở những phương thức mới để phát huy giá trị – quanh quỹ di sản kiến trúc của Hà Nội.
8) Huỳnh Thị Thanh Thủy và dàn hoa hậu, á hậu ghi dấu ấn ở quốc tế. Hoa hậu Việt Nam năm 2022Huỳnh Thị Thanh Thủy đã dự thi Hoa hậu Quốc tế – Miss International 2024 tại Nhật Bản và trở thành người đẹp Việt Nam đầu tiên đăng quang ngôi vị cao nhất ở cuộc thi được thành lập năm 1960 này.
Bên cạnh đó, tại cuộc thi Miss Charm vừa diễn ra tại TP.HCM, MC Quỳnh Nga đã giành ngôi vị Á hậu 2; tại Miss Intercontinental 2024, Bùi Khánh Linh cũng đạt danh hiệu Á hậu 3; tại Miss Cosmo 2024, Hoa hậu Xuân Hạnh cũng lọt Top 5 chung cuộc…
9) Sôi động các liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam. Một năm hiếm hoi Việt Nam tổ chức ba LHP quốc tế tại 3 miền, lần lượt là: LHP quốc tế TP.HCM – HIFF (vào tháng 4/2024); LHP châu Á Đà Nẵng – DANAFF (tháng 7/2024) và LHP quốc tế Hà Nội – HANIFF (vào tháng 11/2024).
Không chỉ là nơi tôn vinh những tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước, HIFF còn góp phần đưa TP.HCM hướng tới mục tiêu gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Trong khi đó, DANAFF đã vào mùa thứ 2 với nhiều sự kiện và quy mô tổ chức ngày càng chuyên nghiệp. Ngoài tuyển chọn những phim châu Á, phim Việt Nam dự thi mới mẻ và chất lượng, các phim chiếu trong các hạng mục, DANAFF II còn tổ chức 4 cuộc hội thảo, tọa đàm quốc tế.
HANIFF trong lần thứ 7 tổ chức có ý nghĩa đặc biệt khi gắn kết LHP với kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024) tạo nên điểm nhấn đặc biệt của kỳ liên hoan năm nay.
10) Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút đông đảo khách tham quan. Được xây dựng tại 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với diện tích gần 387.000m2, bảo tàng lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia.
Bảo tàng có thiết kế kiến trúc độc đáo, hình thức trưng bày hiện đại, tiệm cận trình độ quốc tế, nhiều công năng, tạo một không gian để khách tham quan tương tác và trải nghiệm. Đồng thời, bảo tàng còn là không gian nghệ thuật với các tác phẩm sắp đặt, điêu khắc, đặc biệt là từ các vật liệu thời chiến như xác máy bay, vỏ bom…
Chính thức mở cửa đón khách từ 1/11, vào những ngày cao điểm, bảo tàng đón khoảng 30.000 – 40.000 khách, đặc biệt vào dịp cuối tuần có thể lên đến 60.000 khách mỗi ngày. Đây là con số chưa từng được ghi nhận tại bất kỳ bảo tàng nào của Việt Nam, thậm chí vượt xa lượng khách trung bình một ngày của nhiều bảo tàng đông khách nhất trên thế giới.