I.THỦ TỤC, HỒ SƠ XIN GIẤY PHÉP, VISA VÀ CHI PHÍ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CẤP PHÉP
A. Phim phóng sự, phim tài liệu.
1. Hồ sơ xin cấp phép:
– Thư của Hãng, Kênh hoặc Công ty sản xuất truyền hình giới thiệu về đoàn làm phim.
– Mục đích và nội dung thực hiện chương trình quay phim tại Việt Nam.
– Thời gian và địa điểm quay phim tại Việt Nam.
– Chương trình quay phim dự kiến tại Việt Nam.
-Danh sách nhân sự của đoàn làm phim (hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ hiện tại).
2. Thời gian cấp visa:
Khi nhận đủ hồ sơ, đơn vị đón/hướng dẫn/quản lý sẽ tiến hành làm các thủ tục với Bộ Công an để cấp visa cho đoàn làm phim trong khoảng từ 10 ngày – 15 ngày. Đoàn làm phim sẽ nhận visa tại Đại sứ quán Việt Nam nơi họ cư trú, trong trường hợp đặc biệt, có thể xem xét cho đoàn lấy visa tại cửa khẩu khi nhập cảnh vào Việt Nam.
3. Thời gian cấp giấy phép:
-Tùy thuộc vào chương trình và thời gian quay phim, đơn vị đón/hướng dẫn/quản lý sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để cấp phép cho đoàn quay phim tại Việt Nam, dự kiến trong khoảng từ 15 ngày – 20 ngày.
– Nếu chương trình quay nhiều ngày tại nhiều địa phương hoặc tại các khu vực miền núi, khu vực biên giới, biển đảo thì thời gian cấp phép dự kiến trong khoảng từ 20 ngày – 25 ngày.
4. Các chi phí liên quan:
Tùy thuộc vào mục đích, nội dung, thời gian và địa điểm quay phim của mỗi chương trình.
B. Chương trình truyền hình thực tế (Gameshow)
1. Hồ sơ xin cấp phép:
– Thư của Hãng, Kênh hoặc Công ty sản xuất truyền hình giới thiệu về đoàn làm phim.
– Mục đích và nội dung thực hiện chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam.
– Thời gian và địa điểm quay phim tại Việt Nam.
– Chương trình quay phim dự kiến tại Việt Nam.
– Danh sách nhân sự của đoàn làm phim (hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ hiện tại).
2. Thời gian cấp visa:
Do đặc thù của các chương trình truyền hình thực tế thường có số lượng thành viên đoàn làm phim lớn, thời gian giải quyết cũng mất nhiều thời gian. Đơn vị đón/hướng dẫn/quản lý sẽ tiến hành làm các thủ tục với Bộ Công an để cấp thị thực cho đoàn làm phim vào Việt Nam trong khoảng từ 30 ngày – 40 ngày. Đoàn làm phim sẽ nhận visa tại Đại sứ quán Việt Nam nơi họ cư trú, trong trường hợp đặc biệt, có thể xem xét cho đoàn lấy visa tại cửa khẩu khi nhập cảnh vào Việt Nam.
3. Thời gian cấp giấy phép:
Các chương trình truyền hình thực tế có thời gian quay ngắn nhưng nội dung quay nhiều nên thời gian cấp phép từ 25 ngày – 30 ngày, nếu quay tại các khu vực miền núi, khu vực biên giới, biển đảo dự kiến trong khoảng từ 30 ngày – 40 ngày.
4. Các chi phí liên quan
Tùy thuộc vào nội dung, thời gian và địa điểm quay phim của mỗi chương trình.
C. Phim truyện
1. Hồ sơ xin cấp phép:
– Đơn đề nghị hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
– Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim
– Kịch bản phim
– Chương trình quay phim dự kiến
– Danh sách nhân sự của đoàn làm phim (hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ hiện tại).
– Các giấy tờ liên quan như Hợp đồng lao động, Hợp đồng bản quyền, hợp đồng sử dụng hình ảnh nhân vật… (nếu có)
2. Thời gian cấp giấy phép:
– Công ty nộp hồ sơ thẩm định kịch bản tại Cục Điện ảnh, thời gian thẩm định 30 ngày – 60 ngày. Sau khi có kết quả thẩm định, chuyển tiếp hồ sơ sang Cục Hợp tác quốc tế xem xét trình Lãnh đạo Bộ cấp phép. Thời gian cấp phép trong 7 ngày làm việc (nếu được đồng ý).
– Công ty nhận giấy phép tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo địa chỉ: http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn
3. Các chi phí liên quan:
Chi phí quy định tại Thông tư số 122/2013/TT-BTC ngày 28/8/2013 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kịch bản phim, phim,chương trình nghệ thuật biểu diễn; lệ phí cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim, cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam.
II. HẢI QUAN, THUẾ:
- Phim phóng sự, phim tài liệu:
– Đơn vị đón/hướng dẫn/quản lý làm thủ tục tạm nhập tái xuất với Chi cục Hải quan tại các Cửa khẩu quốc tế khi đoàn làm phim nhập cảnh vào Việt Nam. Các thiết bị xách tay này sẽ không bị đóng thuế.
– Nhiều loại pin, sạc của máy quay phim, máy ảnh có dung lượng cao hơn thông số an toàn do các hãng hàng không quy định, họ sẽ từ chối vận chuyển các thiết bị này để bảo đảm an toàn cho chuyến bay. Vì vậy, khuyến cáo các đoàn làm phim tìm hiểu thật kĩ thông tin trước khi nhập thiết bị vào Việt Nam để tránh trường hợp không mang được thiết bị về nước.
– Nếu đoàn làm phim quay bằng chất liệu phim âm bản thì phải thông báo trong hồ sơ khi xin phép, đơn vị đón/hướng dẫn/quản lý làm thủ tục với Chi cục Hải quan để kiểm tra trực quan khi nhập cảnh, tránh trường hợp phim bị soi chiếu sẽ bị hỏng.
2. Chương trình truyền hình thực tế (Game Show)
– Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế gửi thiết bị qua đường cago (gửi qua đường biển, đường hàng không và đường bộ).Các thiết bị máy móc này cũng không bị đóng thuế. Trong trường hợp họ mang thiết bị theo hành lý xách tay thì đơn vị đón/hướng dẫn/quản lý sẽ thực hiện làm thủ tục với quy trình như phim tài liệu, phim phóng sự.
– Nhiều loại pin, sạc của máy quay phim, máy ảnh có dung lượng cao hơn thông số an toàn do các hãng hàng không quy định, họ sẽ từ chối vận chuyển các thiết bị này để bảo đảm an toàn cho chuyến bay. Vì vậy, khuyến cáo các đoàn làm phim tìm hiểu thật kĩ thông tin trước khi nhập thiết bị vào Việt Nam để tránh trường hợp không mang được thiết bị về nước.
3. Phim truyện
Do đặc thù thể loại phim truyện là thời gian quay dài ngày, số lượng thiết bị quay phim lớn nên các Công ty sản xuất thuê thiết bị quay phim của các đối tác tại Việt Nam chứ không nhập từ nước ngoài.
III. THỦ TỤC ĐỂ QUAY PHIM TẠI MỘT SỐ ĐỊA ĐIỂM ĐẶC BIỆT TẠI VIỆT NAM
– Những khu vực đặc biệt thuộc địa bàn biên giới, miền núi cần khoảng 10 ngày -15 ngày để xin cấp phép của các cơ quan chức năng liên quan. Tại một số khu vực biên giới sẽ thu lệ phí đối với đối tượng là người nước ngoài.
IV. ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG MÁY QUAY KHÔNG NGƯỜI LÁI/DRONE
Đoàn làm phim gửi danh sách các địa điểm quay phim, đơn vị đón/hướng dẫn/quản lý đề xuất Bộ Quốc phòng cấp phép. Theo quy định của Bộ Quốc phòng, các khu vực không được cấp phép sử dụng máy quay không người lái bao gồm: khu vực sân bay, khu vực quân sự, khu vực cơ quan Nhà nước và các khu vực cấm khác.