Trong văn bản Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đến ngày 23.2.2022 chuẩn bị trình lên Quốc hội thông qua, đã có một số thay đổi cơ bản về việc hợp tác quốc tế trong dịch vụ, sản xuất, phát hành và phổ biến phim ở Việt Nam, phù hợp xu thế chung phát triển ngành “công nghiệp điện ảnh”, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Ước mơ Việt Nam thành một phim trường quốc tế tưởng như có thể chạm tay ngay sau khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” về nước với nhiều hứa hẹn tốt lành. Nhưng mấy năm qua đã hụt bao cơ hội “vàng” khi Việt Nam có quá nhiều quy định không còn hợp với sự phát triển điện ảnh như ngành công nghiệp theo xu thế chung quốc tế. Việc Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang mang lại nhiều hy vọng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế.
Quá ít dự án quốc tế chọn Việt Nam
Việt Nam, tính từ năm 1975 đến nay, số đoàn làm phim truyện nước ngoài chọn bối cảnh Việt Nam ghi hình chỉ đếm trên đầu ngón tay và đã diễn ra khá lâu như: “Người tình”, “Đông Dương”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Hai con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa”. Bộ phim đình đám của nước ngoài có bối cảnh Việt Nam gần đây nhất là “Noble” (Ireland, Anh) ra mắt người xem vào đầu năm 2014. Và tới 2017 là “Kong: Skull Island”.
Còn nhớ năm 2016, hình ảnh Việt Nam được lựa chọn góp mặt trong “siêu” MV của nam ca sĩ Usher được ghi hình từ trạm không gian quốc tế ISS, và chỉ có 10 quốc gia được chọn gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Mexico, UAE, Czech, Úc, Nga, Mỹ. Việt Nam được lên hình bãi biển Non Nước, nằm dọc chân núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Trước đó, Việt Nam cũng xuất hiện trong MV “What doesn’t kill you” (Stronger) của quán quân American Idol 2002 Kelly Clarkson, thông qua biểu tượng của TP.Hồ Chí Minh – chợ Bến Thành. Cũng năm 2016, khán giả Việt Nam đã phấn khích khi nhận ra trong số những khung cảnh mà chú bé Peter Pan (phim của hãng Warner Bros) bay lướt qua, có cảnh hang Én (Quảng Bình), hang động lớn thứ 3 trên thế giới.
Khi chính sách thuế là rào cản
Nhưng, việc để Việt Nam thành phim trường quốc tế vẫn còn nhiều vướng mắc chưa khai thông, liên quan đến nhiều cơ quan, ngành, Bộ.
Việt Nam chưa xem trọng phim trường quốc tế là cái máy “in tiền”, góp vào ngân sách quốc gia. Bản thân các nước có chế độ hoàn thuế rất cao cho riêng dự án phim lớn. Đó là chế độ nhập khẩu riêng cho đạo cụ phim trường khác với hàng hóa. Trong khi đó, Việt Nam thì chưa có.
Năm 2006, để giúp quảng bá du lịch cho Hawaii nói chung và đảo Oahu nói riêng, chính phủ Mỹ đã ra một chính sách giảm thuế lên tới 25% tổng mức chi phí sản xuất phim, nếu êkíp làm phim đến ghi hình tại nơi này. Ở Châu Âu, làn sóng các đạo diễn “đổ bộ” tới Pháp để làm phim bắt đầu từ cuối năm 2009 khi chính phủ Pháp quyết định giảm 20% thuế cho các dự án phim nước ngoài và sản phẩm truyền hình. Trước Pháp, các quốc gia Châu Âu, trong đó có Anh và Đức thực hiện chính sách giảm thuế để thu hút các đạo diễn quốc tế tới nước mình làm phim… Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia trở thành điểm đến ở khu vực Đông Nam Á của các hãng phim lớn. Xa hơn, Hàn Quốc, New Zealand đều có chính sách đãi ngộ đoàn phim quốc tế. Thậm chí có quốc gia còn sẵn sàng chi tiền để hình ảnh đất nước xuất hiện trong các sản phẩm bom tấn như thương vụ Mexico chi 14 triệu USD cho hãng phim Sony Pictures Entertainment để có vài phút xuất hiện bộ phim “James Bond 24 Spectre”.
Khoảng 5 năm trở lại đây, các hãng phim lớn nhất thế giới đã thống nhất đưa ra một quan điểm đầu tư điện ảnh mới, các nước được chọn làm bối cảnh sẽ phải đưa ra những ưu đãi, và cam kết đặc biệt của chính phủ về chính sách thuế (tiếng Anh tạm gọi là Film Production Incentive) khi họ đổ hàng triệu USD vào nước đó để sản xuất phim. Chính sách này hiện đang rất phổ biến trên thế giới. Ở Châu Á, đã có nhiều nước tham gia. Thái Lan từ tháng 1.2017, các tác phẩm điện ảnh nước ngoài dựng ở Thái Lan có kinh phí trên 1,5 triệu USD sẽ được hỗ trợ 15% kinh phí, những phim có diễn viên Thái Lan là nhân vật chính hoặc tham gia sẽ được hỗ trợ 3%, các phim đem lại những lợi ích đặc biệt trong việc thúc đẩy hình ảnh của Thái Lan sẽ được hỗ trợ 2%. Ở Campuchia, ngay từ năm 2013, đã ký hợp tác thỏa thuận điện ảnh với Pháp, cho ra đời những tác phẩm “song tịch”, chính phủ hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, còn Bộ Tài chính hỗ trợ giảm thuế.
Những vướng mắc cần khai thông
Thời gian qua vẫn còn tồn tại những rào cản khiến không ít đoàn phim quốc tế có ý định hợp tác, chọn bối cảnh quay tại Việt Nam gặp khó khăn nên đành chuyển điểm quay sang nước khác thay vì nước ta như dự kiến ban đầu, gây mất cơ hội quảng bá, thiệt hại lợi nhuận kinh tế không nhỏ. Ngoài việc ưu đãi về thuế không có, điều khiến các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam sợ nhất là thời gian chờ đợi để có giấy phép. Không ít dự án phim bị “chìm xuồng” vì chờ duyệt không nổi. Theo Luật Điện ảnh trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, đoàn phim mới có giấy phép. do liên quan nhiều ban ngành (như ngoài cơ quan văn hóa còn phải thông qua ngoại giao, an ninh, tài nguyên môi trường…) nên nhiều khi chúng ta trả lời đồng ý thì họ đã chọn điểm quay ở nước khác rồi.
Nhiều chuyên gia đề xuất không chỉ tạo điều kiện thật tốt, ưu đãi cho các đoàn phim nước ngoài như rút ngắn việc xét duyệt kịch bản, hoàn lại một phần chi phí thuế cho đoàn phim…, cơ quan chức năng còn phải có cơ chế để khuyến khích các đoàn phim sau khi quay sẽ để lại các bối cảnh để chúng ta tận dụng phục vụ khách du lịch. Đặc biệt nếu như có thể, Nhà nước, Hội Điện ảnh Việt Nam hay phía tư nhân nên phối hợp thành lập một trung tâm hoặc công ty chuyên giới thiệu và cung ứng các dịch vụ thiết bị làm phim với nước ngoài hướng tới hoạt động một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi mở ra cơ hội
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại hội nghị góp ý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tháng 2.2022 do Thường vụ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức có đề cập: “Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13).
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chỉ yêu cầu cơ sở điện ảnh cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết phân cảnh sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết về bối cảnh, nội dung, nhân vật, sự kiện gắn với cảnh quay đối với phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam thay vì phải cung cấp bản đầy đủ kịch bản phim (điểm b khoản 2 Điều 13). Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể thông qua cơ sở điện ảnh Việt Nam hoặc tự đứng ra làm thủ tục xin cấp phép.
Ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có nêu trong hội thảo một số đổi mới: “Dự thảo Luật đang quy định: (1) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo các quy định phù hợp với cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. (2) Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép; còn sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực và các dịch vụ liên quan đến sản xuất điện ảnh tại Việt Nam thì không cần xin phép mà thực hiện theo hợp đồng, văn bản thỏa thuận giữa các bên. Đó là nội dung mới, trước đây quy định tất cả dịch vụ sử dụng sản xuất phim ở trong nước của nước ngoài đều xin phép, nhưng hai bên đã cân nhắc, chỉ xin phép khi sử dụng dịch vụ về bối cảnh, còn nhân lực, kỹ thuật, hợp tác dịch vụ khá thì thỏa thuận, là hướng mở, tạo thuận lợi cho hoạt động này. (3) Hồ sơ xin cấp phép sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết phân cảnh quay tại Việt Nam. (4) Nhà nước có chính sách ưu đãi, thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng bối cảnh quay phim và các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp theo quy định tại Điều 41 dự thảo Luật”.
Nếu Luật Điện ảnh sửa đổi có những điều luật liên quan đến hợp tác quốc tế được thông thoáng hơn, hợp với xu thế phát triển “công nghiệp điện ảnh” để Việt Nam thành một “phim trường quốc tế”, thì điện ảnh Việt sẽ được hưởng lợi rất nhiều, theo sau là ngành du lịch cũng sẽ có lợi nhuận.
Theo laodong.vn