Khát vọng giải phóng dân tộc, giang sơn liền một dải là chủ đề chung, “đặc sản” của Điện ảnh cách mạng Việt Nam tại các Liên hoan phim quốc tế một thời. Nó đã trở thành đặc điểm để nhận diện phim Việt Nam và ngày càng chứng minh rằng, đó đã trở thành một di sản đặc biệt của điện ảnh Việt Nam mà hầu như, không nền điện ảnh nào trên thế giới có được.
Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam là một nền điện ảnh đặc biệt
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, một số nước ở châu Á và châu Âu bị chia cắt làm hai phần như Triều Tiên – Hàn Quốc, Đông Đức – Tây Đức, và Việt Nam : miền Bắc – miền Nam… Ở một số nước khác, sự chia cắt không chỉ tạo ra sự khác nhau về địa lý, nó còn ảnh hưởng đến chế độ chính trị, nền kinh tế và văn hoá… Chúng tôi đã có dịp khảo sát các nền điện ảnh Đông Đức – Tây Đức và Hàn Quốc – Triều Tiên trong thời kỳ chia cắt cũng như nền điện ảnh Việt Nam trong cùng thời điểm và nhận ra rằng, nền điện ảnh của chúng ta đã hình thành và phát triển theo con đường riêng của mình.
Trong những năm đau thương đó, nền điện ảnh của các nước trên có rất ít phim phản ánh tình cảm và ý chí thống nhất của dân tộc, của quốc gia. Nhiều bộ phim của họ phần lớn mang nội dung, chẳng hạn, miêu tả những chạy trốn từ miền nọ sang miền kia bằng cách đào những đường hầm bí mật hoặc vượt biển lúc thời tiết thuận lợi sang bên kia hoạt động gián điệp. Trong khi đó, điện ảnh Việt Nam, dù chưa thống nhất, ở cách xa nhau, thông tin liên lạc còn chưa thuận tiện, song trái tim của các nghệ sỹ điện ảnh ở cả hai miền đã cùng chung nhịp đập, sáng tạo những tác phẩm có chung chủ đề. Đó là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và khát vọng thống nhất đất nước.
So với nhiều lĩnh vực văn hoá, điện ảnh Việt Nam ra đời muộn hơn. Nhưng hoàn cảnh ra đời của điện ảnh chứa đựng những yếu tố mang đặc điểm di truyền của dân tộc. Và sự trưởng thành của nó cũng khốc liệt và anh dũng, như một chiến binh thực thụ. Từ sự khởi nguồn và phát triển độc đáo đó, nền điện ảnh Việt Nam đã tự toả sáng những giá trị tốt đẹp, gắn chặt với số phận và lịch sử của con người và đất nước Việt Nam.
Giá trị truyền thống của điện ảnh đã trở thành định hướng cơ bản khi nhìn nhận về đất nước và dân tộc, về nền văn hoá, về lý tưởng xã hội, về tín ngưỡng tâm linh… Tất cả những điều đó liên quan mật thiết đến giá trị con người Việt Nam. Những giá trị truyền thống đó là định hướng tinh thần quyết định phương hướng phát triển của ngành điện ảnh. Những giá trị truyền thống đó không chỉ là những ký hiệu hình ảnh trong các bộ phim, mà hiện nay, chúng còn thể hiện ở sự biến đổi trong cách biểu hiện của việc làm phim dưới tác động của kỹ thuật số, thâm nhập qua các giao dịch thương mại phức tạp của kinh tế thị trường. Những giá trị đó ngày càng mở rộng trên nhiều phương tiện, trở thành nhu cầu cơ bản của công chúng. Nó thực sự trở thành hơi thở hàng ngày của trong nền văn hoá đại chúng.
Khát vọng hòa bình thống nhất giang sơn
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong tình hình vô cùng thiếu thốn mọi mặt, Chính phủ lâm thời Việt Nam vẫn xây dựng bộ phận Điện ảnh và Nhiếp ảnh thuộc Bộ Thông tin – Tuyên truyền.
Trong kháng chiến chống Pháp, các nghệ sỹ điện ảnh ở hai miển Nam Bắc đã tập kết trên chiến khu Việt Bắc. Họ tiếp tục làm phim, chiếu phim, thiết kế máy móc… Ngày 15/3/1953, trong rừng kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Sau khi Hiệp định Geneve năm 1954, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền. Ở miền Bắc, một nền điện ảnh mới ra đời. Đó là nền điện ảnh cách mạng, hoạt động theo cơ chế của nền kinh tế kế hoạch. Những tác phẩm điện ảnh ra đời phục vụ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, thể hiện khát vọng hoà bình của một dân tộc can trường chống ngoại xâm. Điển hình là Chung một dòng sông (1959) – phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Câu chuyện xảy ra tại hai bờ sông Bến Hải, nơi vết thương chia cắt giang sơn. Nội dung kể về mối tình của Hoài và Vận, hai người trẻ tuổi, ở hai bên sông, chung một mối tình, nhưng gặp nhiều trắc trở. Song họ quyết vượt qua để tình yêu chiến thắng. Có thể nói, đó là một câu chuyện mang tính biểu tượng cho tình yêu và khát vọng thống nhất của nhân dân hai miền, song nó đã chạm vào trái tim của công chúng. Và bộ phim không chỉ đơn thuần là một bộ phim. Nó có sức mạnh của hàng triệu trái tim sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Bộ phim đã trở thành di sản quý báu, vô cùng trân quý của điện ảnh Việt Nam.
Tiếp tục cảm hứng chủ đạo về sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, những năm tiếp theo, các nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam lại tiếp tục sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Năm 1963, đạo diễn Phạm Kỳ Nam hoàn thành phim Chị Tư Hậu, do ngôi sao điện ảnh Trà Giang đảm nhận, dựa trên một câu chuyện có thật của người phụ nữ miền Nam, có chồng đi kháng chiến và hy sinh. Bộ phim đã gây tiếng vang lớn trong công chúng. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã dàn dựng nhiều trường đoạn rất ấn tượng. Bộ phim như câu trả lời đanh thép của phụ nữ Việt Nam, quyết không chịu làm nô lệ, đứng lên chiến đấu, trả thù nhà, đền nợ nước. Hình ảnh chị Tư Hậu không chỉ là sự tiếp nối truyền thống đánh giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng, Bà Triệu mà còn là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời nay, đang ở tiền tuyến, đối đầu trực tiếp với quân thù. Hình ảnh biểu trưng đó như nguồn năng lượng dồi dào, tiếp thêm sức mạnh cho hàng triệu người Việt Nam.
Vẫn lấy bối cảnh miền Nam, năm 1966, đạo diễn Huy Thành đã xây dựng bộ phim Nổi gió. Bộ phim có cốt truyện mạnh mẽ. Các nhà làm phim đề cập đến một vấn đề phức tạp: một gia đình, trong chiến tranh, có người theo phe ta, có người theo phe địch. Giải quyết thế nào? Đây là câu chuyện xảy ra với nhiều gia đình ở miền Nam do điều kiện xã hội và hoàn cảnh sống của người dân. Chị Vân và Phương là hai người ruột thịt trong cùng một gia đình. Nhưng họ ở hai chiến tuyến khác nhau. Chị Vân đã thuyết phục Phương, em trai, trung uý quân đội đối phương, giết cố vấn Mỹ, trở về với cách mạng. Vai trung uý Phương do diễn viên Thế Anh đảm nhận đã gây nên cơn sốt đối với hàng triệu người xem. Phong cách diễn chân thực, tự nhiên và lãng mạn của Thế Anh không những là biểu tượng của thanh niên miền Nam bị ép buộc đi theo con đường sai lầm, nhưng cuối cùng thức tỉnh, lập công trở về, nó còn là niềm tin đối với hàng triệu người dân miền Bắc và đồng bào miền Nam đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Năm 1972, Biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh đã thực hiện thành công bộ phim dài 2 tập, mang tên Vỹ tuyến 17 Ngày và Đêm. Đó là câu chuyện khốc liệt xảy ra ở nơi nóng bỏng của Tổ quốc. Hình ảnh chị Dịu điển hình cho hàng vạn phụ nữ trong chiến tranh. Chị đảm nhận những công việc quan trọng của cách mạng. Dù bị tra tấn, tù đày, nhưng vẫn kiên trung, bất khuất trước kẻ thù. Nếu ở Chung một dòng sông, câu chuyện còn lãng mạn, song đến Vỹ tuyến 17 Ngày và Đêm, câu chuyện đã có chiều dày hiện thực và sự tàn bạo của kẻ thù. Song, càng trong đau thương, hình ảnh những người con quả cảm của đất nước vẫn đứng vững nơi tuyến lửa. Tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1973, bộ phim đã được Giải thưởng của Hội đồng Hoà Bình thế giới và Diễn viên Trà Giang đã vinh dự nhận giải thưởng cao quý Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Nối tiếp cảm hứng chủ đạo đó, rất nhiều những bộ phim sau này như Tiền tuyến gọi, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa… đều nói lên tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giang sơn liền một dải. Điều đó đã trở thành đặc sản của Điện ảnh Việt Nam tại các Liên hoan phim quốc tế. Nó đã trở thành đặc điểm để nhận diện phim Việt Nam. Ngày càng chứng minh rằng, đó đã trở thành một di sản đặc biệt của điện ảnh Việt Nam mà hầu như, không nền điện ảnh nào trên thế giới có được.
Đoàn Tuấn – thegioidienanh.vn