Trong bối cảnh Việt Nam cần nhiều kinh nghiệm để xây dựng nền công nghiệp Điện ảnh cũng như dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động xúc tiến điện ảnh bị đình trệ thì hội thảo trực tuyến “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” diễn ra ngày 28/4/2021 tại TP Hồ Chí Minh do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đứng ra tổ chức là cực kỳ thiết thực. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm, giải đáp những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam cũng như các nhà làm phim quốc tế mà hội thảo lần này còn mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà sản xuất phim Việt Nam và các đối tác nước ngoài đặc biệt là các hãng phim Hollywood.
Thu hút sự quan tâm rất lớn!
Hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” đánh dấu sự phát triển hợp tác giữa Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA). Phối hợp tổ chức còn có Viện Ngôn Ngữ – Quốc Tế học (ILACS) thuộc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam. Chủ trì hội thảo là Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và Bà Belinda Lui, Chủ tịch MPA khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cuộc hội thảo trực tuyến quốc tế về phát triển công nghiệp điện ảnh nên thu hút sự quan tâm khá lớn của các cấp, các ngành. Có thể thấy sự có mặt của PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung Ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thanh Bình, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Đại Sứ Phạm Quang Vinh – Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung Ương; Bà Trần Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung Ương; Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh; ông Phạm Tấn Nghĩa – Đối tác chiến lược của VFDA; Ông Nguyễn Hải Giang – TBT Tạp chí Việt-Mỹ; Bà Lê Minh Tâm – TGĐ công ty cổ phần Kỷ nguyên sáng. Ngoài ra, còn có đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh, những thành phố luôn quan tâm và ủng hộ điện ảnh nước nhà. Bên cạnh đó cũng có thể nhìn thấy hầu hết những gương mặt đang hoạt động tích cực trong ngành điện ảnh đang trên đà trở thành một nền công nghiệp hiện nay quan tâm và tham dự như các đạo diễn – NSND Đào Bá Sơn; PGS-TS Phan Bích Hà – Nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sâu khấu Điện ảnh TPHCM; ông Phan Đình Thanh – Tổng giám đốc Hãng phim truyện 1; nhà biên kịch Châu Thổ – giám đốc hãng Senafilm; đạo diễn Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Dũng, Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, nhà sản xuất Trinh Hoan, nhà sản xuất Đinh Thị Thanh Hương, nhà biên kịch Kay Nguyễn…
Là cơ hội cho điện ảnh Việt
Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) là Hiệp hội thương mại đại diện cho 6 hãng phim lớn ở Hollywood (Paramount Pictures, Sony Pictures, Universal Pictures, Walt Disney Studios, Warner Bros và Netflix). Chính vì thế, sự tham gia của các nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh của Hoa Kỳ và quốc tế sẽ tạo cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm và mở rộng hợp tác cho các nhà làm phim Việt Nam. Nhân cơ hội này, hội thảo cũng có giới thiệu sơ qua về môi trường làm phim ở Việt Nam, bắt tay cùng giải tuyết những tồn đọng để phía bạn có dữ liệu cũng như rộng đường hợp tác sau này. Đây thực sự là cái bắt tay thiết thực cho những viên gạch đầu tiên làm cầu nối giữa Việt Nam với nền điện ảnh được coi là hàng đầu thế giới hiện nay. Chính điều này cũng được bà Belinda Lui, Chủ tịch MPA khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh trong buổi hội thảo trực tuyến, bà cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội hợp tác cũng như chia sẻ văn hóa của mình với thế giới thông qua nền điện ảnh đang phát triển. Phía Hoa Kỳ cũng đã thuận lợi làm việc với Việt Nam qua nhiều dự án trước đó và trong tương lai sắp tới, hy vọng sẽ có nhiều hợp tác hơn.
Công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển thế nào
Nội dung của hội thảo “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” xoay quanh những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế. Đó là: xây dựng năng lực sản xuất, cơ chế ưu đãi sản xuất để làm ra những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế; tầm quan trọng của bản quyền và các giải pháp xử lý việc khai thác phim không có bản quyền; cách thức giải quyết những vấn đề còn tồn tại và góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển, an toàn và bền vững.
Toàn cảnh hội thảo được chia làm 3 phần: “Quan điểm của các nhà làm phim”, “Tư duy toàn cầu” và “Bảo vệ thành quả” với các ý kiến đóng góp, tham luận từ cả hai phía Việt Nam và quốc tế.
Ở phần “Quan điểm của các nhà làm phim”, đạo diễn – nhà sản xuất Charlie Nguyễn đưa ra 3 quan điểm của mình về việc làm thế nào để điện ảnh Việt Nam phát triển: Một là, phải kể câu chuyện của chúng ta (thay vì phim remake hay cốt truyện vay mượn); Hai là phải có một nơi đào tạo thực dụng hơn trong nghề làm phim (rất nhiều người làm nghề từ làm việc thực tế mà ra lại thiếu nền tảng cơ bản trong khi người học bài bản ra thường lại thường thiếu thực tế); Ba là chúng ta cần có bộ phận giám sát lao động để bảo vệ quyền lợi người làm phim, nâng cao chất lượng làm nghề (trước tình trạng có đoàn phim làm việc 17-18 tiếng/1 ngày mà không ai quản lý). Về việc cần điều gì để nâng cao quan hệ hợp tác làm phim với quốc tế, đạo diễn Charlie Nguyễn nhấn mạnh 2 vấn đề cấp thiết hiện nay là cần phải có một đơn vị dịch vụ độc lập được lập ra với mục đích hỗ trợ, tư vấn pháp lý, kết nối các nhà làm phim nước ngoài tới Việt Nam cũng như giới thiệu các công ty, nhân lực điện ảnh tốt nhất trong nước với ekip nước ngoài. Bên cạnh đó, ngoài hoàn thiện những cơ chế ưu đãi khác thì chính phủ phải quan tâm đặc biệt tới chính sách hoàn thuế cho các đoàn phim nước ngoài khi đến Việt Nam.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, phim Việt hiện chưa thực sự quan tâm tới vấn đề nội dung (kịch bản) mà giải quyết vấn đề trước mắt bằng cách remake, vay mượn từ nước ngoài. “Để điện ảnh Việt Nam là điện ảnh Việt Nam, có thể cạnh tranh với các tác phẩm quốc tế khác thì chúng ta phải tập trung quan tâm tới các nội dung mang đặc trưng, bản sắc của người Việt”, đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh.
Ông Nelson Mok, Giám đốc, Cố vấn Film Group đến từ Singapore thì chia sẻ kinh nghiệm phát hành phim nội địa ra với thế giới của mình, trong đó cụ thể dẫn chứng việc kết nối phát hành bộ phim Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt ra với thị trường nước ngoài. Với lời chúc mừng thành công của bộ phim điện ảnh Bố già hiện đang phát hành ở thị trường phim Singapore, ông Nelson Mok khẳng định: “Để phim Việt ra được với quốc tế thì đầu tiên, phải thành công với khán giả nội địa”. Những sự kiện đáng mừng này sẽ là nền tảng để thị trường nước ngoài quan tâm hơn tới phim Việt, cũng là đòn bẩy cho việc phát hành Bóng đè của ông sắp tới. Ông chia sẻ thêm, với một đơn vị phát hành nước ngoài muốn mua phim Việt thì họ sẽ nhìn xem bộ phim có thành công ở trong nước không; qua đánh giá của báo chí và đặc biệt là của một Hội đồng đánh giá phim chuyên nghiệp và quan trọng, các nhà làm phim phải tương tác nhiều hơn với các nhà nhập khẩu phim quốc tế.
Với phiên 2 “Tư duy toàn cầu”, ông Jay Roewe, Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách Sản xuất và ưu đãi, HBO/Warner Media nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác làm phim giữa điện ảnh bản địa và các nhà làm phim quốc tế. Theo ông, không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, quảng bá du lịch hình ảnh quốc gia mà còn là cơ hội để chúng ta hiểu hơn về nhau, chia sẻ kỹ năng, thúc đẩy điện ảnh phát triển, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Theo ông, một nhà sản xuất phim đến với một quốc gia khác thường quan tâm hàng đầu đến chính sách mà chính phủ đó hỗ trợ, ví dụ như chính sách hoàn thuế. Bên cạnh đó là việc bảo vệ nội dung, chống ăn cắp bản quyền đó như thế nào. Từng đến Việt Nam làm Kong: Đảo đầu lâu, ấn tượng trước bối cảnh và con người Việt Nam, ông Jay Roewe nhấn mạnh “Việt Nam là một người khổng lồ đang ngủ và việc mà các bạn cần làm thời điểm này trước khi hoàn thiện các chính sách ưu đãi chính là chuyển thông điệp ‘bạn được chào đón ở đây’ đến các nhà làm phim quốc tế. Phải thể hiện được tính cởi mở trong kinh doanh thì các bạn mới chia sẻ được giá trị văn hóa, lịch sử của mình”.
Đồng ý kiến, ông Freddie Yeo, Giám đốc điều hành Infinite Studios, thành viên cố vấn điện ảnh của Singapore cũng nhấn mạnh việc hợp tác sản xuất một bộ phim ngoài câu hỏi Bối cảnh có phù hợp không thì quan trọng nhất vẫn là chính sách ưu đãi của chính phủ đó, càng chi tiết càng hấp dẫn. Tất cả điều đó phải được chính phủ quảng bá một cách chuyên nghiệp. Dẫn chứng ngay tại hội thảo, ông đã cho toàn bộ khách mời xem một clip quảng bá giới thiệu bối cảnh, con người, văn hóa Singapore cũng như các ý kiến của nhiều đoàn làm phim nước ngoài từng đến làm phim tại đây.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh 3 điều để điện ảnh Việt có thể ra với thế giới ngoài tập trung vào bản sắc, câu chuyện Việt Nam: Một là phải tích cực tham gia các LHPQT có uy tín như Oscar, Cannes, Venice, Tokyo, Busan… để bạn bè quốc tế biết đến; Hai là phát hành phim Việt rộng rãi hơn, không chỉ nghĩ gói gọn trong nội địa mà còn tới với rạp quốc tế như Hai Phượng hay bắt tay với các hệ thống phát hành phim online như Netflix chẳng hạn. Và thứ ba, là đưa điện ảnh thế giới đến Việt Nam thông qua các liên hoan phim, tuần phim trong nước cũng như hợp tác làm phim với các cơ chế chính sách cởi mở.
Phiên hội thảo thứ 3 với chủ đề “Bảo vệ thành quả” xoay quanh vấn đề lo ngại nhất hiện nay là bản quyền. Bà Ngô Thị Bích Hạnh – Tổng giám đốc công ty BHD khá bức xúc trước tình trạng livestream phim ngay tại rạp của khán giả cũng như thói quen xem phim lậu ở Việt Nam hiện nay. Phim – tức là tài sản trí tuệ hiện nay chưa được coi trọng và luật pháp bảo vệ. Ví dụ ăn trộm một chiếc xe máy vài chục triệu thì bị đi tù nhưng livestream phim trị giá hàng chục tỷ – một hành động gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất – thì hình phạt cao nhất chỉ có 15 triệu. Những bất cập, lỗ hổng pháp lý và thói quen đó khiến những trang phim lậu vẫn còn tồn tại, không những gây thiệt hại cho nhà sản xuất mà còn tạo nên nhiều hệ lụy xấu khác với khán giả. Bà hy vọng, ở những cuộc họp sau, chúng ta có thể nói về chuyện khác chứ không phải bàn đi bàn lại về chuyện bản quyền này.
Ông Yew Kuin Cheah, Cố vấn chính, Chống vi phạm bản quyền – Truyền thông kỹ thuật số tại Công ty Walt Disney đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất, ở thời đại công nghệ thay đổi từng ngày thì luật bản quyền kèm theo đó là các chế tài xử lý dân sự hình sự liên quan đến sở hữu trí tuệ, điện ảnh phải được cập nhật và thường xuyên bổ sung thay đổi cho phù hợp. Thứ hai là dùng phương pháp chặn để xử lý các trang web xem phim lậu – chỉ cần chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ chứng minh được sản phẩm đó bị vi phạm là có thể xử lý bằng phương pháp này. Song song đó là tạo cơ chế hỗ trợ cho các trang web, streaming hợp pháp. Và thứ 3 là cơ chế thực thi mạnh mẽ, trang bị đủ khả năng để chặn và mức phạt đủ mạnh.
Ngoài ra, ông Yew Kuin Cheah còn nhấn mạnh yếu tố giáo dục để mọi người hiểu rằng, hành vi xem phim lậu không chỉ vi phạm luật mà còn nằm ở vấn đề vi phạm đạo đức, giá trị con người cũng như gặp nhiều rủi ro như ăn cắp thông tin, dính virus, mất tài khoản ngân hàng…
Bà Grace Chui, Luật sư cao cấp về bảo vệ nội dung, Hiệp hội Điện Ảnh Hoa Kỳ khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh yếu tố vào cuộc của chính phủ sở tại chính là mấu chốt. Bà Đinh Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Giải Trí và Truyền thông Galaxy với ý kiến sau phiên họp cho rằng, hiện Luật điện ảnh chưa sát thực với các nhà làm phim, cần phải chi tiết hơn và nhà nước nên đào tạo chính sách công về điện ảnh để Luật có thể trở thành nền tảng vững chắc hơn cho các nhà làm phim Việt Nam.
Đại diện cơ quan quản lý, bà Lý Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục điện ảnh cũng chia sẻ rằng, sau nhiều ý kiến đóng góp, sắp tới, Luật điện ảnh sẽ có nhiều cải tiến phù hợp hơn với tình hình phim hiện nay.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh trong lời tổng kết hội thảo cũng trân trọng những nhận xét của các đại biểu quốc tế về bối cảnh, câu chuyện Việt Nam trong việc bắt tay hợp tác và bà mong rằng những tiềm năng đó sẽ được đánh thức, bùng nổ trong thời gian tới. Các nhà làm phim là người chủ động nhưng cũng mong nhà nước tạo cơ chế phù hợp để điều mong mỏi đó được thực thi. Về con đường của điện ảnh Việt nam ra với thế giới, ngoài việc điện ảnh Việt đang dần tốt lên, thì với vai trò của Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh, bà cũng chia sẻ việc tổ chức của mình đang thực thi rất nhiều điều để tất cả những ý kiến lo ngại mà các đại biểu trong nước, quốc tế chia sẻ hôm nay sẽ không còn tồn tại. Đó là một trong nhiều nền tảng vững vàng để Việt Nam có thể tự tin trên con đường đưa điện ảnh trở thành một nền công nghiệp./.
Nguồn: https://thegioidienanh.vn/
Link xem Hội thảo Quốc tế trực tuyến “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế”: https://www.youtube.com/watch?v=scfIGzA-nFA